📅 Cập nhật Bài Viết “Vệ Sinh Đồ Gỗ” lần cuối ngày 12 tháng 9 năm 2021 tại Công ty vệ sinh TKT Cleaning
Để có thể vệ sinh đồ nội thất gỗ đúng cách, khách hàng cũng như nhân viên công ty vệ sinh cần hiểu đúng bản chất, phân loại các loại gỗ đang được sử dụng hiện nay, để từ đó có phương pháp làm vệ sinh phù hợp, đảm bảo chất lượng của dịch vụ vệ sinh công nghiệp.
1. Phân loại vật dụng, nội thất gỗ
Gỗ được phân biệt thành 2 loại chính là tự nhiên và công nghiệp. Các loại gỗ công nghiệp thì đa dạng vô cùng.
1.1. Gỗ tự nhiên
1.1.1 Đặc điểm chung:
– Có vân bóng đẹp, đi lên có độ ấm, cảm giác thật chân, có độ bền cao và mùi hương dễ chịu. Tuy nhiên, so với gỗ công nghiệp thì gỗ tự nhiên có khả năng chống xước thấp hơn, dễ bị ảnh hưởng của sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm không khí.
Gỗ có 3 đặc điểm chủ yếu: Dẻo dai, giãn nở, liên kết chắc chắn
Việc xử lý gỗ bao gồm 2 công đoạn yếu là phơi thoát hơi nước trong thân cây và tẩm sấy, trong 2 công đoạn này thì công đoạn tẩm sấy là quan trọng và cần thiết nhất, nó làm cho các thớ gỗ ổn định, liên kết với nhau tạo nên thế giằng. Khi tẩm sấy tính chất sinh học của gỗ thay đổi, gỗ sẽ trở lên dẻo dai, chắc, có thể chịu được sự va đập, uốn nắn trong việc tạo hình.
Ở Việt Nam, điều kiện khí hậu nóng ẩm, hanh khô nên khả năng co giãn của gỗ thường xảy ra. Nó có thể bị nứt, mối mọt, cong vênh hoặc mục nát theo thời gian. Bởi vậy, việc bảo vệ và gìn giữ được những sản phẩm gỗ là công việc không đơn giản. Việc gia công không tốt sẽ làm phản tác dụng của gỗ. Khi gỗ bộc lộ những nhược điểm như nhạy cảm với thời tiết, biến dạng, cong vênh, co ngót hay nứt nẻ… thì cách khắc phục là gia công tốt, lựa chọn không gian sử dụng phù hợp với tính chất của gỗ.
Để bảo quản tốt gỗ, cần tránh môi trường thời tiết quá khắc nghiệt, không thể để gỗ thường xuyên ngập trong nước, loại bỏ những vỏ ngoài những cây gỗ chưa được lọc hết để tránh mối mọt
Điều cần thiết khi quyết định sử dụng gỗ là phải xác định rõ mục đích. Mỗi loại gỗ có ưu, nhược điểm khác nhau, và nếu được sử dụng hợp lý sẽ giúp tăng tuổi thọ. Đối với những loại gỗ có thể chịu được nước, nên ưu tiên sử dụng trong môi trường nước. Ngược lại, những loại gỗ cứng nên dùng ở nơi cần va đập ví dụ như cầu thang thường được làm bằng gỗ lim, sàn nhà gỗ tự nhiên thường được dùng gỗ căm xe…
Thông thường, gỗ mềm có thể sử dụng làm đồ gia dụng. Nhưng gỗ cứng phải được sử dụng làm cầu thang, sàn nhà, nơi thường chịu lực.
1.1.2. Phân loại gỗ tự nhiên
- Gỗ Giáng Hương: Có màu nâu hồng, vân đẹp, đặc biệt có mùi thơm
Gỗ Mun: Gỗ nặng, thớ gỗ rất mịn có màu đen tuyền hoặc đen sọc trắng
Gỗ Gụ: Thớ gỗ thẳng, vân đẹp, mịn, màu vàng trắng, để lâu chuyển màu nâu sẫm
Gỗ Trắc: Gỗ rất cứng, thớ gỗ mịn, có mùi chua không hăng
PơMu: Gỗ nhẹ, thớ mịn, vân đẹp, màu vàng có mùi thơm
Xoan Đào: Gỗ cứng, chắc, thớ gỗ mịn, vân đẹp, màu hồng đào
Sồi đỏ: Dát gỗ từ màu trắng đến nâu nhạt, tâm gỗ màu nâu đỏ hồng. Gỗ có ít đốm hình nổi bật vì các tia gỗ nhỏ hơn. Đa số thớ gỗ thẳng
Sồi trắng: Dát gỗ màu nhạt, tâm gỗ từ nâu nhạt đến nâu sậm. Đa số Sồi trắng có vân gỗ thẳng to và dài, mặt gỗ từ trung bình đến thô với các tia gỗ dài hơn Sồi đỏ. Vì vậy, Sồi trắng có nhiều đốm hình hơn.
Gỗ Giổi: Gỗ thường màu xám vàng, thớ mịn, thơm, gỗ mềm
Tần bì: Dát gỗ màu từ nhạt đến gần như trắng, tâm gỗ có màu sắc đa dạng, từ nâu xám đến nâu nhạt hoặc vàng nhạt sọc nâu. Nhìn chung vân gỗ thẳng, to, mặt gỗ thô đều
Thông: Gỗ mềm, nhẹ, màu vàng da cam nhạt, vân thẳng đều
Gỗ Mít: gỗ mềm, màu vàng sáng, khi để lâu sẽ chuyển sang nâu sẫm, vân gỗ không đẹp lắm
Căm xe: Gỗ màu đỏ thẫm, hơi có vân sẫm nhạt xen kẽ, thớ mịn, gỗ nặng, bền, không mối mọt, chịu được mưa nắng, rất cứng
Gỗ Lim: Gỗ lim là loài gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm; có khả năng chịu lực tốt. Vân gỗ dạng xoắn khá đẹp, nếu để lâu hay ngâm dưới bùn thì mặt gỗ có màu đen
Chò chỉ: Thịt vỏ vàng và hơi hồng, có nhựa và có mùi thơm nhẹ, Gỗ chò chỉ vàng nhạt hay hơi hồng, rất bền, chịu nước, chịu chôn vùi
Gỗ tạp giống gỗ Giổi
Gỗ tạp giống gỗ tần bì
1.2. Gỗ công nghiệp
Được sản xuất từ gỗ tự nhiên kết hợp công nghệ cao để tạo ra vật liệu gỗ dùng làm sàn thay thế gỗ tự nhiên. Gỗ công nghiệp được xử lý tốt về chống mối mọt, cong vênh, đảm bảo độ bóng và sự đồng đều về sản phẩm nên thuận lợi khi thi công với số lượng lớn. Gỗ công nghiệp còn có độ bóng cao, nhiều màu sắc và vân đẹp để chọn lựa. Các loại gỗ công nghiệp phổ biến hiện nay:
- Gỗ ván dăm OKAL(PB)
- Gỗ ván dăm MFC Melamine
- Gỗ MDF
- Gỗ HDF
- Gỗ dán (Plywood) hay gỗ ván ép
- Gỗ van ghép thanh
- Gỗ VENEER
- Gỗ nhựa
- Ván tổ ong
1.2.1. Ván dăm (PB – Particle board)
Hay Ván Okal là gỗ nhân tạo được sản xuất từ nguyên liệu gỗ rừng trồng (bạch đàn, keo, cao su…). Có những cây gỗ được trồng chuyên để sản xuất loại gỗ MFC này. Các cây này được thu hoạch ngắn ngày, không cần cây to. Người ta băm nhỏ cây gỗ này và cũng kết hợp với keo, ép tạo độ dày. Hoàn toàn không phải sử dụng gỗ tạp, phế phẩm như mọi người vẫn nghĩ. có độ bền cơ lý cao, kích thước bề mặt rộng, phong phú về chủng loại. Ván dăm được sản xuất bằng quá trình ép dăm gỗ đã trộn keo. Công nghệ dán phủ mặt và cạnh ván thỏa mãn nhiều yêu cầu về hình dạng và kích thước, gồm ván dăm trơn, MFC, PVC…
+ Cấu tạo: Gỗ tự nhiên xay thành dăm, trộn với keo chuyên dụng và ép gia cường theo quy cách.
+ Tính chất: Không co ngót, ít mối mọt, chịu lực vừa phải. Bề mặt có độ phẳng mịn tương đối cao. Loại thường các cạnh rất dễ bị sứt mẻ, chịu ẩm tương đối kém. Loại chịu ẩm thường có lõi màu xanh.
+ Độ dày thông dụng: 9mm, 12mm, 18mm, 25mm
+ Ứng dụng: Gia công phần thô đồ nội thất gia đình, văn phòng, quảng cáo, làm cốt cho phủ MFC, PVC … làm lớp cốt hoàn thiện tốt cho nhiều loại vật liệu hoàn thiện bao gồm cả sơn các loại.
Ván dăm trơn là loại phổ biến trên thị trường, khi sử dụng thường được phủ veneer, sơn, hoặc phủ PU.
Ván dăm MFC, hai mặt được phủ một lớp melamine nhằm tạo vẻ đẹp, chống ẩm và trầy xước.
Ván dăm được phủ PVC màu vân gỗ trên ván gỗ công nghiệp, dán cạnh….
Ván dăm tương tự như ván sợi MDF (Medium Density fiberboard) nhưng gỗ được xay thành dăm, nên chúng có chất lượng kém hơn ván sợi. Cốt Ván dăm chủ yếu được phủ nhựa Melamine (MFC) tạo thành nguyên liệu phục vụ trong lĩnh vực nội thất văn phòng.
1.2.2. Ván dăm MFC (Melamine Faced Chipboard)
Ván gỗ dăm phủ nhựa Melamine. Ván MFC chủ yếu sử dụng để trang trí nội thất, sản xuất đồ mộc gia đình, công sở.
+ Cấu tạo: Lớp Melamine chịu nhiệt, cứng, có màu sắc, họa tiết phong phú được ép lên bề mặt gỗ VÁN DĂM hoặc MDF
+ Tính chất: Bề mặt chống chầy xước, chịu nhiệt rất tốt. Có loại phủ Melamine 1 mặt và 2 mặt
+ Độ dày thông dụng: 18mm, 25mm. Các độ dày khác là tùy vào đặt hàng, có thể làm MFC 1 mặt. Ván MFC còn có kích thước tiêu chuẩn khác : 1830mm Rộng x 2440mm x 18mm/25mm Dày
+ Ứng dụng: Gia công đồ nội thất, đặc biệt là nội thất văn phòng. Nhược điểm là hạn chế tạo dáng sản phẩm, xử lý cạnh và ghép nối. Cạnh chủ yếu hoàn thiện bằng nẹp nhựa sử dụng máy dán cạnh chuyên dụng.
Ván MFC có ứng dụng vô cùng rộng rãi đặc biệt là trong lĩnh vực nội thất văn phòng, nhà ở, chung cư cao cấp, bệnh viện, trường học, nội thất trẻ em v.v. Hiện 80% đồ gỗ nội thất dùng ván MFC để làm vì giá cả phù hợp, màu sắc lại vô cùng phong phú, đa dạng và hiện đại.
Gỗ MFC gồm hai loại MFC chống ẩm và MFC thường:
Gỗ MFC loại thường
Gỗ MFC loại thường có khoảng 80 màu từ đen, trắng, xám nhạt, xám chì cho đến tất cả các màu vân gỗ như Oak (sồi), Ash (tần bì), Maple (gỗ thích), Beech (giẻ gai), Acacia (tràm), Teak (giả tị), Walnut (óc chó), Campho (cẩm), Cherry (xoan đào), Gõ đỏ, Nu vàng, Nu đỏ, Gỗ sồi sọc, Sồi kỹ thuật, Tần bì giả cổ, Trắc, Mun hay các màu vân gỗ hiện đại… Tất cả đều giống như gỗ thật.
Đối với nội thất văn phòng, nhà ở, chung cư thì chỉ cần sử dụng ván MFC tiêu chuẩn, còn đối với những không gian, khu vực ẩm ướt như Toilet, tủ bếp, tủ Toilet, vách Toilet, Lavabo, khu vệ sinh thì nên sử dụng ván MFC chống ẩm hoặc melamine trên nền MDF chống ẩm.
Gỗ MFC chống ẩm
Ngoài 80 màu MFC loại thường có hầu như tất cả các loại MFC chống ẩm lõi xanh tương tự màu như MFC loại thường.
Khác với MFC loại thường, MFC chống ẩm được khuyến cáo nên sử dụng cho tủ bếp, tủ toilet, vách toilet, vách ngăn vệ sinh, phòng thí nghiệm, bệnh viện, trường học, những nơi ẩm ướt v.v. Đặc biệt là ở miền Bắc nơi có khí hậu ẩm ướt, nếu muốn có sản phẩm hoàn hảo và bền bỉ thì quý khách nên dùng MFC chống ẩm. Hiện nay MFC chống ẩm được sử dụng nhiều nhất để làm tủ bếp và vách ngăn toilet.
Để phân biệt được loại thường và loại chống ẩm, quý khách để ý MFC chống ẩm thường nặng hơn MFC loại thường khoảng 40 đến 60kg/m³, có lõi màu xanh, tổng trọng lượng khoảng 740 đến 760 kg/m³.
1.2.3. Ván sợi MDF (Medium Density Fibreboard)
+ Cấu tạo: Gỗ tự nhiên loại thường, nghiền mịn, trộn với keo chuyên dụng và ép gia cường theo qui cách.
+ Tính chất: Không nứt, không co ngót, ít mối mọt, tương đối mềm, chịu lực yếu, dễ gia công. Bề mặt có độ phẳng mịn cao. Loại chịu ẩm thường có lõi màu xanh lá hơi lá cây
+ Độ dày thông dụng: 3mm, 4mm, 5mm, 6mm, 9mm, 12mm,15mm, 17mm, 18mm, 20mm, 25mm
+ Ứng dụng: Gia công phần thô đồ nội thất gia đình, văn phòng, quảng cáo, làm cốt cho phủ MFC, PVC … làm lớp cốt hoàn thiện rất tốt cho nhiều loại vật liệu hoàn thiện bao gồm cả sơn các loại.
Còn gọi gỗ ép thuộc loại gỗ nhân tạo có độ bền cơ lý cao, kích thước lớn, phù hợp với công nghệ sản xuất đồ mộc nội thất trong vùng khí hậu nhiệt dới. Ván sợi được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực sản xuất đồ mộc, trang trí nội thất, xây dựng. MDF được trải qua quá trình ép sợi gỗ xay nhuyễn đã trộn keo, tỷ trọng từ 520 đến 850 kg/m3, tùy theo yêu cầu chất lượng, nguyên liệu gỗ, độ dày. Trên thị trường hiện có 3 loại chính là trơn, chịu nước và melamine.
MDF trơn là loại phổ biến nhất, khi sử dụng thường được phủ veneer, sơn hoặc phủ PU. MDF chịu nước cũng thuộc loại MDF trơn, được trộn keo chịu nước trong quá trình sản xuất, thường sử dụng ở nơi có khả năng tiếp xúc với nước hoặc có độ ẩm cao như cánh cửa, đồ gỗ trong nhà bếp. Melamine MDF, cả hai mặt ván MDF được phủ một lớp melamine nhằm tạo vẻ đẹp, chống ẩm và trầy xước.
1.2.4. Gỗ HDF: High Density Fiberboar
+ Cấu tạo: Gỗ tự nhiên loại thường, nghiền mịn, trộn với keo chuyên dụng và ép gia cường với độ ép rất cao.
+ Tính chất: Không nứt, không co ngót, rất cứng, chịu nước, chịu nhiệt khá tốt.
+ Độ dày thông dụng: 3mm, 6mm, 9mm, 12mm,15mm, 17mm, 18mm, 20mm, 25mm
+ Ứng dụng: Gia công phần thô đồ nội thất cao cấp, làm cốt ván sàn gỗ công nghiệp …
1.2.5. Gỗ dán (Plywood)
Là gỗ được làm ra từ gỗ tự nhiên được lạng mỏng ra thành từng tấm có dỗ dày 1mm rồi mang các lớp gỗ đó đi ép chúng một cánh đan xen lại với nhau cùng với chất kết dính. Gỗ dán không bị nứt lẻ trong điều kiện thông thường không bị mối mọt co ngót.
+ Cấu tạo: Nhiều lớp gỗ mỏng ~1mm ép chồng vuông góc với nhau bằng keo chuyên dụng
+ Tính chất: Không nứt, không co ngót, ít mối mọt, chịu lực cao. Có gỗ dán thường, gỗ dán chịu nước phủ phim, phủ keo. Bề mặt thường không phẳng nhẵn
+ Độ dày thông dụng: 3mm, 5mm, 6mm, 8mm, 10mm, 12mm, 15mm, 18mm, 20mm, 25mm
+ Ứng dụng: Gia công phần thô đồ nội thất gia đình, văn phòng, quảng cáo, làm lõi cho bề mặt veneer. Loại chịu nước làm copha, gia cố ngoài trời…
Điều đặc biệt là chúng chỉ có 3 lớp, 5 lớp, 7, thậm chí 11 lớp. Tại sao không có số lớp gỗ chẵn? tại sao lại vậy?
Lý giải cho điều này vì khi khô hanh gỗ thường co lại và nói chung phần co theo vân ngang lớn hơn phần co theo vân dọc. Ngày thường chúng ta trông thấy những tấm gỗ bị vênh, thì đều vênh theo chiều ngang, tấm gỗ càng mỏng, càng dễ bị vênh. Nguyên nhân của sự vênh này chính là sự giãn nở không đều của tấm gỗ dán. Lợi dụng tính co lại không đều của các tấm mỏng, đem xếp dán các tấm mỏng co theo vân ngang với tấm mỏng co theo vân dọc để tránh nhược điểm trên.
Sở dĩ tấm gỗ dán có số lớp lẻ là để làm cho các tấm gỗ dán có một lớp cốt lõi ở giữa, một mặt khiến các lớp mỏng ở hai phía bị lớp cốt lõi giữ chặt không thể tự do giãn nở, mặt khác cũng làm cho lớp cốt lõi bị các lớp phía ngoài hạn chế. Vì thế tấm gỗ dán bao giờ cũng được dán lớp vân ngang rồi đến lớp vân dọc khác để làm cho các lớp gỗ mỏng kiềm chế lẫn nhau không bị cong vênh hoặc nứt gãy.
Còn nếu dùng số lớp mỏng là chẵn thì tuy có một lớp ngang một lớp dọc, nhưng hướng vân của hai lớp mỏng ngoài cùng sẽ không giống nhau, một lớp co theo hướng dọc, một lớp co theo hướng ngang, kết quả là hai mặt ngoài của tấm gỗ dán sẽ lớn nhỏ không đều nhau, hơn nữa do hướng vân của hai lớp mỏng ngoài cùng không giống nhau, nên mất tác dụng kiềm chế lớp trung gian, vì vậy các tấm gỗ dán đều có số lớp gỗ mỏng là số lẻ.
1.2.6. Ván ghép thanh (còn gọi gỗ ghép)
Được sản xuất từ nguyên liệu chính là gỗ rừng trồng. Những thanh gỗ nhỏ đã qua xử lý hấp sấy, trên dây chuyền công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, gỗ được cưa, bào, phay, ghép, ép, chà và sơn phủ trang trí. Ván ghép thanh được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực sản xuất đồ mộc, trang trí nội thất, sản xuất ván sàn và nhiều sản phẩm khác.
Có 4 cách thức gỗ ghép song song, mặt, cạnh, giác. Gỗ ghép song gồm nhiều thanh gỗ cùng chiều dài, có thể khác chiều rộng, ghép song song với nhau. Gỗ ghép mặt gồm nhiều thanh gỗ ngắn, ở hai đầu được xẻ theo hình răng lược rồi ghép lại thành những thanh có chiều dài bằng nhau, rồi tiếp tục ghép song song các thanh, cho nên chỉ nhìn thấy vết ghép hình răng lược trên bề mặt ván, thị trường Nhật Bản rất chuộng cách ghép thanh này.
Gỗ công nghiệp để sản xuất nội thất cao cấp ở nước ta chủ yếu vẫn là gỗ nhập khẩu từ các nước như Malaysia, Indonexia, Đài Loan, Thái Lan,… Còn gỗ nhân tạo của nước ta còn nhiều nhược điểm chưa được khắc phục như chứa những chất độc hại, dễ biến dạng khi gặp nước, dễ bắt lửa, hay bị mối mọt, nứt tách.
1.2.7. Gỗ Veneer
+ Cấu tạo: Là gỗ tự nhiên được bóc thành lớp mỏng từ 0,3 – 1mm rộng 130-180mm. Thông thường được ép lên bề mặt gỗ dán plywood dày 3mm
+ Tính chất: Bản chất bề mặt cấu tạo là gỗ thịt, phù hợp với mọi công nghệ hoàn thiện bề mặt. Độ cứng phụ thuộc nhiều vào sử lý PU bề mặt.
+ Độ dày thông dụng: tấm ép sẵn 3mm hoặc có thể theo đặt hàng.
+ Ứng dụng: Là vật liệu hoàn thiện rất đẹp cho nhiều sản phẩm nội thất. Giống gỗ tự nhiên, giá thành cạnh tranh, tạo hình phong phú
1.2.8. Gỗ nhựa
+ Cấu tạo: Đây là một loại vật liệu được tạo thành từ bột nhựa PVC với một số chất phụ gia làm đầy có gốc cellulose hoặc vô cơ
+ Tính chất: Chịu ẩm tốt, nhẹ, dễ gia công
+ Độ dày thông dụng: 5mm, 9mm, 12mm, 18mm
+ Ứng dụng: Gia công đồ nội thất gia đình, văn phòng, quảng cáo, làm cốt phủ các loại Acrylic
1.2.9. Ván TỔ ONG
+ Cấu tạo: Sử dụng công nghệ tao ra sản phẩm có độ dày từ 38mm-50mm, trọng lượng nhẹ
+ Tính chất: Nhẹ, chịu lực khá tốt bởi cấu tạo tổ ong
+ Độ dày thông dụng: 38mm, 50mm
+ Ứng dụng: Gia công đồ nội thất, cánh cửa, vách ngăn cách âm…
2. Yêu cầu chung khi vệ sinh đồ nội thất gỗ
2.1. Các yêu cầu sau đây cần lưu ý chung khi vệ sinh đồ gỗ nội thất
Nước là một trong những kẻ thù số một của đồ nội thất gỗ. Lau sạch nước bị dính trên bề mặt đồ nội thất gỗ bằng khăn lông nhẹ hoặc hút bụi khô/ướt sau đó làm khô cẩn thận.
Chỉ lau nhà bằng khăn ẩm đã vắt khô nước.
Nên sử dụng những khăn lau với đầu lau được làm từ sợi Microfiber sẽ giúp giữ bụi và nước nhanh và sâu, chứ không phải mang bụi từ chỗ này sang chỗ khác. Sợi microfiber tốt hơn sợi cotton.
2.2. Cách lau đồ nội thất gỗ
Dụng cụ: sử dụng khăn lau Microfiber, máy hút bụi nước nếu có.
Bước 1: Quét sạch đồ nội thất gỗ với một chiếc chổi nhẹ có lông cứng vừa phải. Nếu đồ gỗ để lâu ngày, nên hút bụi để loại bỏ bụi và cát trong nhà.
Bước 2: Sử dụng khăn lau, lưu ý xô đựng nước không được để trên sàn, khăn phải được vắt hết nước một cách tối đa.
3. Các mẹo xử lý các vết bẩn trên sàn gỗ
Với sàn gỗ nhất là chỗ sát nhà WC thì bạn phải thật cẩn thận, luôn để khăn lau khô ở cửa ra vào và một khăn lau ở trong nhà WC để lau khô trước khi bước vào nhà. Nếu nhà có trẻ con thì bạn phải thường xuyên lưu ý hơn, phải dặn bọn trẻ liên tục đồng thời phải theo sau chúng mỗi lần chúng tắm rửa xong.
Nếu sàn gỗ cần vệ sinh kỹ do bám quá nhiều bụi bẩn hay vết dính thì có thể sử dụng một miếng bùi nhùi chùi xoong (thường bằng sợi thép mịn chất lượng tốt) để chà xát mặt sàn. Thêm chút cồn là có thể loại bỏ những vết bẩn cứng đầu từ bề mặt sàn gỗ cứng. Nếu vết bẩn vẫn còn thì buộc phải chà bằng giấy nhám, sau đó đánh bóng lại bề mặt chỗ có vết chà. Sử dụng sáp đánh bóng hoặc các sản phẩm chuyên dụng để trả lại bề mặt bóng đẹp cho sàn.
Nếu có hóa chất bất ngờ đổ tràn trên sàn gỗ cứng thì phải làm sạch sàn càng nhanh càng tốt vì để lâu, nó có thể lan ra và thấm sau xuống các thớ gỗ. Nếu muốn lấy lại vẻ đẹp nguyên vẹn của sàn gỗ bị thấm hóa chất, có khi chỉ còn cách là thay những mảnh gỗ bị ố bẩn đó.
Để tẩy vết cà phê, rượu, nước trái cây, hoặc mực in khỏi bề mặt sàn gỗ cứng một cách dễ dàng bằng một chiếc khăn nhúng vào giấm, nhưng nhớ phải lau ngay khi sàn vừa bị dơ.
Khi mặt sàn bị dính máu hãy cọ sạch vết máu bằng dung dịch amoniac pha nước lạnh. Còn nếu mặt sàn bị dính dầu mỡ thì áp một túi nước đá vào vết bẩn để làm đông đặc dầu mỡ, sau đó dùng con dao hoặc lưỡi dao lam cạo nó đi rồi lau vết bẩn còn lại với một chiếc khăn lau sạch.
Vết chì màu làm bẩn mặt sàn, chỉ cần bôi kem đánh răng vào vết bẩn và chà xát bằng một miếng vải khô.
Vết son môi, hãy pha nước rửa chén với một chút nước ấm, sau đó dùng giẻ nhúng dung dịch đó để chà sạch.
Vết thú cưng lỡ tiểu bậy lên sàn gỗ, cần lau ngay chỗ bẩn bằng khăn ẩm thấm chút nước rửa chén đã pha loãng. Với các vết bẩn “cứng đầu”, cần sử dụng dung dịch thuốc tẩy và nước, nhưng nhớ không để dung dịch đó thấm vào thớ gỗ và phải lau lại mặt sàn cẩn thận bằng nước sạch.
4. Mẹo vặt vệ sinh đồ gỗ nội thất hiệu quả
4.1. Dùng sữa bò
Muốn làm sáng lại lớp vecni trên gỗ, bạn có thể dùng một ít sữa lau lên lớp vecni và để cho khô. Sau đó bạn dùng bàn chải nhúng nước lã cọ sạch. Cách này sẽ giúp cho lớp vecni cứng lại và sáng bóng.
4.2. Dùng nước trà đậm đặc
Cách này rất đơn giản nhưng khá hiệu quả, bạn hãy pha một bình trà to đậm đặc và để nguội, sau đó bạn dùng vải mềm nhúng nước trà lau mạnh trên đồ gỗ bạn cần làm sạch và đánh bóng từ 2 – 3 lần.
4.3. Dùng nước dấm pha loãng
Bạn cũng có thể pha loãng nước giấm theo tỉ lệ 1/4 giấm với 3/4 nước và dùng vải mềm nhúng vào dung dịch và lau lên bề mặt gỗ. Dung dịch giấm pha loãng sẽ giúp làm sạch cả những vết bẩn lâu ngày và sáng bóng trở lại.
4.4. Dùng bia hay dầu paraffine
Cách này khá thông dụng, bạn hãy lấy vải mềm thấm bia hay dầu paraffine rồi chà mạnh lên bề mặt gỗ để xóa đị các vết bẩn bám lâu ngày. Nếu bạn dùng dầu paraffine cần lưu ý là khi vừa khô nên chùi lại bằng dầu thông với vải thường để đồ dùng gỗ được sáng bóng.
4.5. Dùng dầu ăn và sáp ong trắng
Để tẩy những vết dính lâu ngày trên đồ gỗ. Bạn muốn làm sạch những dấu vết này, bạn hãy cho mấy giọt dầu ăn vào một chút sáp ong trắng, đem chưng cách thủy cho sáp ong chảy ra rồi bôi lên vết bẩn và lấy bàn chải đánh răng cũ cọ thật mạnh rồi chùi lại bằng nước sạch.
4.6. Làm sáng lớp vec-ni trên gỗ
Đồ gỗ dù đã được đánh vec-ni nhưng nếu lâu ngày không quan tâm chùi rửa vẫn bị mất đi vẻ sáng bóng. Muốn lấy lại vẻ sáng bóng như khi mới mua về bạn có thể sử dụng một ít sữa lau trên lớp vec-ni, để khô rồi lấy bàn chải nhúng nước lã lau sạch. Điểm nổi trội của việc dùng sữa là lớp vec-ni trên gỗ nhà bạn sẽ cứng và bóng hơn trước.
Lấy một tẩm vải mềm thấm bia chà lên mặt gỗ để xóa đi các vết bẩn lâu ngày.
4.7. Làm sạch đồ gỗ không đánh vec-ni
Muốn làm sạch những vết dơ bám trên mặt đồ gỗ loại này bạn chỉ cần pha sẵn một dung dịch theo công thức sau: 10g muối + 90g thuốc tẩy + 1 lít nước. Sau đó, quét lớp nước này lên mặt gỗ, bạn có thể sử dụng một cái chổi bằng be dừa vừa vặn với tay cầm. Đợi một lúc cho dung dịch thấm vào lớp gỗ trơn, bạn rửa lại một lượt bằng nước lã rồi lau khô ngay.
Pha giấm với nước theo tỷ lệ ¼ giấm và ¾ nước. Chấm dung dịch này lên gỗ, dung dịch giấm pha loãng có tác dụng làm sạch vết bẩn lâu ngày rất hiệu quả. Tiếp theo bạn dùng vải mềm thấm nước trà tươi hoặc trà xanh đặc lau chùi vài lần, đồ gỗ nhà bạn sẽ sáng lên trong thấy.
4.8. Tẩy những vết ố do ruồi làm bẩn
Bạn hãy trộn bột gạo hay bột mì với dầu ăn. Trộn hỗn hợp cho đều, rồi đánh cho thật quánh đặc, thoa lên chỗ bẩn rồi chùi lại bằng nước sạch. Trên đồ gỗ cũng thường xuất hiện những vết dơ do vô ý gây ra như: vết trà, nước ngọt, vết dầu loang,…
Bạn hãy cho vài giọt dầu ăn vào sáp ong trắng, sau đó đem chưng cách thủy đến khi sáp chảy ra quyện vào dầu. Lấy hỗn hợp này chà mạnh lên vết bẩn, hiệu quả rất đáng để mong chờ.
5. Cách vệ sinh và loại bỏ những mùi hôi trong đồ gỗ nội thất
Việc sử dụng những đồ nội thất lâu năm, hoặc bạn để trong môi trường ẩm ấp rất dễ bị ẩm mốc gây nên những mùi hôi khó chịu làm ảnh hưởng đến căn phòng của bạn. Để giải quyết vấn đề này mời các bạn tham khảo một số cách để xử lý mùi nấm mốc cho những bộ bàn ghế gỗ phòng khách trong gia đình bạn.
5.1. Môi trường có độ ẩm cao
Sau khi những bộ bàn ghế gỗ hay giường ngủ gỗ của gia đình bạn đã qua những khâu xử lý, chế biến, tẩm sấy gỗ có tính chất hút ẩm rất mạnh. Vì thế khi bạn sử dụng trong môi trường có độ ẩm cao, ẩm thấp sẽ tạo điểu kiện cho nấm mốc và sinh ra những mùi hôi rất khó chịu, có thể gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn khi bạn hít phải…
Để khắc phục tình trạng này, các bạn cần di chuyển đến một nơi khô ráo, thoáng hơn và có không khí lưu thông ra bên ngoài. Còn không bạn hãy kê chân cao hơn so với mặt đất hay nền nhà khoảng 15 – 20cm cho không khí bên dưới thông thoáng không bị bụi bẩn lưu lại bên dưới.
5.2. Dùng cát hoặc giấy chà nhám gỗ
Những lại đồ gỗ mà gia đình bạn thường sử dụng như kệ tivi hay đồ gỗ đồng kỵ nó thường xuyên xuất hiện nấm mốc và mùi hôi, bạn hãy khắc phục bằng cách là đánh bóng lại bằng cát hoặc giấy chà nhám sau đó để ở trạng thái này ở những nơi thoáng khí hoặc nơi có ánh nắng chiếu vào từ 2-3 ngày, như thế bạn sẽ giảm được mùi hôi và hơi ẩm bên trong gỗ và giúp chúng bốc hơi thoát ra ngoài nhanh hơn.
5.3. Các dung dịch vệ sinh đồ gỗ
Nguyên nhân những bộ bàn ghế ăn trong căn bếp của gia đình bạn bị bốc mùi hôi khó chịu là trong khâu sản xuất hoặc xử lý chưa được kỹ, vì thế khiến các vi khuẩn gây hại cư trú bên trong các thớ gỗ có cơ hội phát triển. Chúng sẽ phát triển mạnh nếu bạn để trong môi trường có độ ẩm cao trong một thời gian dài.
Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều loại dung dịch vệ sinh cho đồ gỗ, nội thất. Khi mua về bạn hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, sử dụng sản phẩm này trên tất cả các góc, cạnh, tay cầm, và phía dưới của đồ gỗ để đảm bảo toàn bộ bề mặt của chúng khi đã được làm sạch.
5.4. Sử dụng ánh nắng mặt trời
Một cách đơn giản mà rất hiệu quả là xưa kia công nghệ chưa phát triển, khi đồ gỗ trong nhà hay bị ẩm, mốc ông bà ta thường mang ra trời nắng để phơi từ 4-5 tiếng, lâu thì từ 1-2 ngày. Trước khi phơi nắng, hãy rửa sạch bằng nước. Lưu ý không phơi trực tiếp dưới ánh nắng gắt, nên phơi dưới ánh nắng nhẹ, hoặc có cách khác là lấy 1 tấm vải phủ lên bề mặt gỗ để phơi.
5.5. Bã cafe hoặc than củi
Nếu là một chiếc tủ quần áo gỗ tự nhiên lớn hoặc tủ nhiều ngăn thì khó có thể làm sạch được tất cả các vị trí theo cách nêu trên, do chúng có nhiều góc cạnh và những vách ngăn nên rất khó khi bạn làm vệ sinh. Để khắc phục vấn đề này bạn hãy đặt bã cà phê hoặc than củi bên trong các ngăn kéo và tủ. Kiểm tra lại sau một vài ngày và bổ sung thêm nều cần thiết.
5.6. Làm sạch tủ bếp bằng gỗ tự nhiên
Tủ bếp là nơi chứa nhiều độc đạc nhất, lâu ngày sẽ sinh ra bụi bẩn và nấm mốc, trông rất mất thẩm mĩ. Để khắc phục tình trạng này bạn pha trộn 1 phần dầu thực vật với 2 phần bột baking soda, bôi hỗn hợp lên vết bẩn, dùng một miếng bọt biển/bàn chải/miếng vải để lau chùi. Trong tíc tắc tủ bếp nhà bạn trông sáng bóng và sạch sẽ hơn.
5.7. Gỗ bị trầy xước thì phải làm sao
Đồ gỗ nhà bạn đã sử dụng lâu năm, bị trầy xước trông rất khó chịu, từ từ hãy thay cái mới mà hãy thử công thức này xem sao biết đâu đồ gỗ nhà bạn lại láng bóng thì sao.Trộn lẫn 1/2 chén giấm ăn với 1/2 chén dầu ô liu, nhúng một miếng vải vào dung dịch và chà xát lên mặt gỗ. Các vết trầy xước sẽ hoàn toàn biến mất và trả lại vẻ bóng đẹp như mới.
5.8. Loại bỏ vết nhiệt (vết loang, lổ) trên đồ nội thất
Nếu bạn vô tình tạo ra vết loang màu trắng trên đồ gỗ nội thất thì bạn không nên quá lo lắng, để loại bỏ chúng, bạn sẽ cần phải sử dụng nhiều nhiệt và độ ẩm hơn. Làm ẩm 3 – 5 chiếc khăn rồi đặt lên các vết bẩn. Bật bàn là ở mức nhiệt nóng nhất, ủi lên lớp khăn trong khoảng 15 giây. Vậy là bạn đã khắc phục được.
5.9. Làm sạch ghế sofa, salon bọc vải
Để làm sạch ghế sofa bọc vải, đặc biệt là vải nhung, vải da lộn, vải lông tuyết, bạn cần đến một miếng bọt biển màu trắng (loại không phai màu) và cồn. Đổ cồn vào trong bình xịt và xịt đều lên bề mặt vải cần làm sạch. Sau đó, dùng bọt biển chà sạch. Để khô tự nhiên. Đợi một lúc sau bạn xem kết quả như thế nào nhé.
5.10. Làm sạch vết dầu mỡ và mùi hôi trên thớt gỗ
Thớt gỗ lưu lại vô số vết bẩn và mùi thức ăn, do đó, bạn cần làm sạch chúng một cách triệt để. Hãy chuẩn bị: 2 thìa giấm ăn, 1 chén nước sạch, 1/2 quả chanh tươi, một ít muối biển và một chiếc khăn sạch. Đầu tiên, lau thớt bằng dung dịch giấm ăn pha với nước. Tiếp theo, nhúng nửa quả chanh vào muối biển và chà xát khắp bề mặt thớt. Cuối cùng, rửa sạch lại với nước. Như vậy là mùi hôi sẽ tiêu tan hết.
5.11. Làm sạch vết mực, màu trên đồ nội thất
Nếu bé nhà bạn hiếu động, vô tình tô lên những vết mực dầu lên đồ nội thất hoặc sàn nhà thì cũng đừng quá lo lắng vì bạn hoàn toàn có thể làm sạch chúng. Đầu tiên, bôi một ít kem đánh răng vào vết mực dầu rồi dùng vải ẩm để lau sạch.
Chỉ cần những mẹo đơn giản các bạn cũng có thể tẩy sạch các vết bẩn cứng đầu trên đồ gỗ một cách đơn giản và thật dễ dàng. Các bạn sẽ k phải lo các vết bẩn sẽ làm mất đy cảnh quan của ngôi nhà nữa
Với cách đồ nội thất gỗ, các chuyên viên của công ty vệ sinh TKT mong muốn các nhân viên áp dụng đúng để làm vệ sinh đồ gỗ sạch sẽ, nhanh chóng và hiệu quả trong quá trình vệ sinh nhà cửa.
Nguồn: https://tktg.vn