Icon close

Cập nhật lần cuối ngày 10 tháng 7 năm 2021 tại Công ty vệ sinh TKT Cleaning, Thành Phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Khe co giãn là gì (hay còn tên gọi khác là khe co dãn)? Tại sao chúng quan trọng để kiểm soát vết nứt nền bê tông? Khe co giãn có các loại nào? Hướng dẫn thi công khe con giãn bê tông chi tiết.

Cùng dịch vụ mài sàn bê tông TKT tìm hiểu vấn đề này trong bài viết về khe co giãn dựa trên tiêu chuẩn Việt Nam và ý kiến từ các chuyên gia trên thế giới.

Khe co giãn bê tông là gì
Hình ảnh: Khe co giãn bê tông là gì

1. Các thuật ngữ liên quan đến khe co giãn và yêu cầu chống nứt

1.1. Các thuật ngữ

Các định nghĩa sau được sử dụng dựa theo tiêu chuẩn Việt Nam 9345-2012 về “Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép – Hướng dẫn kỹ thuật phòng chống nứt dưới tác động của khí hậu nóng ẩm”.

  • Khe dãn, khe giãn (Expansion joint): Khe co dãn nhiệt ẩm cho phép chuyển dịch đầu mút bê tông tại khe.
  • Khe co (Contraction joint or control joint): Khe co dãn nhiệt ẩm không cho phép dịch chuyển bê tông tại khe. Tại đây bê tông có thể xuất hiện vết nứt do bị co.
  • Khe co dãn nhiệt ẩm (Hot-humid deformation joint): Vị trí chia cắt kết cấu bê tông thành các phần nhỏ hơn để bê tông có thể co nở theo thời tiết nóng ẩm.
  • Biến dạng mềm (Plastic shrinkage): Tính chất của bê tông thay đổi kích thước hình học (co hoặc nở) khi chưa có cường độ.
  • Biến dạng cứng (Drying shrinkage): Tính chất của bê tông thay đổi kích thước hình học khi đã có cường độ.
  • Bảo dưỡng ban đầu (Initial curing): Giai đoạn phủ ẩm sau khi hoàn thiện bề mặt kết cấu để hạn chế nước trong bê tông bay hơi. Tránh những tác động cơ học trong giai đoạn này.
  • Bảo dưỡng tiếp theo (Subsequent curing): Giai đoạn tưới nước giữ ẩm liên tục cho tới khi kết thúc bảo dưỡng.
  • Cường độ bảo dưỡng tới hạn (Critical curing strength): Cường độ của bê tông tại thời điểm cho phép ngừng quá trình bảo dưỡng ẩm tự nhiên.

1.2. Yêu cầu chống nứt đối với kết cấu bê tông và bê tông cốt thép

Kết cấu không được có vết nứt bề mặt trong những giờ đầu đóng rắn (sau từ 3 h đến 8 h).

Kết cấu không được có các vết nứt (ở đây là các vết đứt) do bị biến dạng theo thời tiết trong quá trình đóng rắn vượt quá giới hạn quy định của TCXDVN 356 : 2005.

Vết nứt rất phổ biến ở bê tông
Hình ảnh: Vết nứt rất phổ biến ở bê tông

Để ngăn hình thành các vết nứt, các khe co giãn bê tông phải được kết hợp để cho phép di chuyển, đặc biệt là ở các tấm có diện tích bề mặt lớn hơn 6m2.

Khe co giãn bê tông đặc biệt quan trọng khi có nhiều lần đổ bê tông liên tiếp và cũng rất hữu ích khi đổ bê tông trong khu vực giáp với tường hoặc tòa nhà hoặc nếu các vật thể như nắp cống cần được kết hợp.

Nếu cần một số khe nối thi công (do đổ bê tông 2 thời điểm khác nhau), thì chúng nên được thiết kế và chỉ định bởi kỹ sư kết cấu. Khe này gọi là khe xây dựng (construction joint) chúng tôi sẽ đề cập đến ở một bài viết khác.

1.3. Tại sao bạn cần khe co giãn bê tông?

Tất cả bê tông sẽ co lại một chút khi khô và khi đông kết, sẽ nở ra hoặc co lại tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường. Nếu bê tông không có chỗ để di chuyển, hoặc thay đổi thể tích, chúng sẽ bị nứt. Các vết nứt bê tông khá đa dạng và cần phải khắc phục với nhiều phương pháp khác nhau.

Phương pháp sửa chữa vết nứt bê tông đều tốn kém
Hình ảnh: Phương pháp sửa chữa vết nứt bê tông đều tốn kém

Các phương pháp xử lý vết nứt nền bê tông đều tốn công, tốn sức và tiền. Vì khi vết nứt xuất hiện bạn sẽ đối mặt với các vấn đề sau:

  • Mất thẩm mĩ: các vết nứt xuất hiện ở các vị trí khác nhau
  • Tốn kém chi phí và thời gian để khắc phục các vết nứt này.
  • Kém bền vững: Không thể đảm bảo rằng không bị nứt trong tương lai.

Xử lý vết nứt bê tông cần sử dụng nhiều loại vật liệu và kỹ thuật khác nhau gây tốn thời gian, tốn kém và đôi khi không bền vững. Hãy xem các hành động hay sử dụng dưới đây:

Sửa chữa vết nứt bê tông bằng keo Epoxy rất tốn kém
Hình ảnh: Sửa chữa vết nứt bê tông bằng keo Epoxy rất tốn kém

Phương pháp này sử dụng Máy bơm áp lực, hoặc Xilanh để vá các vết nứt trên sàn bê tông bằng keo Epoxy dạng lỏng, độ nhớt thấp. Sau đó mài trả lại bề mặt ban đầu. Số lượng Epoxy là ẩn số không biết tùy theo mức độ nứt và độ cong vênh của sàn.

Cắt vết nứt bê tông để loại bỏ liên kết yếu
Hình ảnh: Cắt vết nứt bê tông để loại bỏ liên kết yếu

Việc sửa chữa vết nứt bê tông luôn đi kèm với quá trình loại bỏ liên kết yếu, do đó rất tốn thời gian, công sức.

Bít bề mặt vết nứt bê tông bằng keo
Hình ảnh: Bít bề mặt vết nứt bê tông bằng keo

Vá vết nứt bê tông bằng keo Epoxy, PU, Silicon… để tránh nước có thể đi vào làm hỏng nền đất bên dưới, hoặc ảnh hưởng đến cốt thép bên trong.

Xử lý vết nứt khá khó mà cũng không đẹp
Hình ảnh: Xử lý vết nứt khá khó mà cũng không đẹp

Trám vá vết nứt bê tông tốn nhiều thời gian, công sức, nhưng kết quả đôi khi cũng không thực sự đẹp như bạn mong muốn.

Sửa chữa vết nứt bê tông một cách nghệ thuật
Hình ảnh: Sửa chữa vết nứt bê tông một cách nghệ thuật

Che vết nứt bê tông sau khi sửa chữa bằng hình nghệ thuật là một cách ở các khu vực phù hợp có thể sử dụng.

2. Khe co dãn bê tông là gì?

Khe co dãn bê tông – hay khe nối điều khiển – là một khe hở cho phép bê tông nở ra và co lại khi nhiệt độ thay đổi. Nó tạo thành khoảng đứt giữa bê tông và các bộ phận khác của kết cấu để cho phép chuyển động mà không gây ra ứng suất, điều này có thể dẫn đến nứt.

Chúng nên được sử dụng trong các tấm bê tông lớn như nền móng và đường lái xe bê tông.

2 dạng khe phổ biến của khe co giãn (khe co dãn)
Hình ảnh: 2 dạng khe phổ biến của khe co giãn (khe co dãn)

Có 2 dạng khe co giãn và cách phân biệt chúng được trình bày dưới đây. Dù phân biệt nhưng trong thực tế xây dựng chúng thường được gọi chung là khe co giãn bê tông.

Xem thêm Video để biết cách phân biệt: https://youtu.be/mfksiEZmvX4

Video: khe co giãn là gì?

2.1. Khe co bê tông (contraction joint, control joints)

Khe co bê tông là gì?

Khe Co hay khe kiểm soát, hay khe điểu khiển (contraction joint or control joint): 2 tấm bê tông được cắt cách nhau 1 khe bằng 1/4-1/3 chiều dày của tấm.

Nếu như khe co chỉ cắt 1 phần chiều dày bê tông thì Khe giãn cắt suốt chiều dày của bản bê tông (tách đôi bản bê tông thành 2 phần riêng biệt)

  • Đúng như tên gọi “control joint” – “khe kiểm soát” hay “khe điểu khiển”. Khe co bê tông kiểm soát các vết nứt ngẫu nhiên trên bề mặt bê tông.
  • Mục tiêu của khe co là cho phép bê tông được nứt trong quá trình co ngót ở 1 vị trí xác định trước và theo 1 đường thẳng (khe nứt chủ động)
  • Khe co (Contraction joint) là Khe co dãn nhiệt ẩm không cho phép dịch chuyển bê tông tại khe. Tại đây bê tông có thể xuất hiện vết nứt do bị co.

Vị trí đặt khe co

Khe co được đặt tại các vị trí tạo cho kết cấu có thể phát sinh vết nứt chủ động để giải tỏa ứng suất do biến dạng co nở theo thời tiết.

Khe co thường được đặt ở những vị trí như sau:

  • Cắt ngắn chiều dài bê tông đường ô tô (Hình 7a), sân bãi;
  • Cắt ngắn các mái hắt (ô văng) quá dài (Hình 7b);
  • Cắt ngắn các máng nước (sê nô) quá dài (Hình 7c);
  • Góc các sê nô (Hình 7c);
  • Cắt ngắn tường bê tông quá dài (Hình 7d);
  • Cắt các mái dốc bê tông quá dài hoặc các kết cấu mái dạng siêu tĩnh (Hình 7e);
  • Giữa độ cao các vòm bê tông cốt thép (Hình 7f).
Vị trí đặt khe co
Hình ảnh: Vị trí đặt khe co
Vị trí đặt khe co
Hình ảnh: Vị trí đặt khe co

Cách thi công khe co được thi công

Sau đây là 3 cách thi công khe co phổ biến nhất

3 cách thi công khe co của sàn bê tông
Hình ảnh: 3 cách thi công khe co của sàn bê tông

Phương pháp 1: Thi công khe co trước lúc đổ bê tông : Chèn vật liệu tạo khe như: cao su, gỗ, xốp

Nẹp khe co giãn sàn bê tông
Hình ảnh: Nẹp khe co giãn sàn bê tông

Phương pháp 2. Ngay sau khi đổ bê tông : thợ cán sàn bê tông sẽ sử dụng bay tạo khe để tạo vết trên sàn bê tông.

tạo khe điều khiển ở cạnh tấm
Hình ảnh: tạo khe điều khiển ở cạnh tấm

Phương pháp này chủ yếu sử dụng khi thi công sàn bê tông có diện tích nhỏ.

Tạo khe co giãn thủ công bằng bay
Hình ảnh: Tạo khe co giãn thủ công bằng bay

Có thể dùng các cây thước dài hơn để làm các tấm bê tông lớn hơn và nhanh hơn.

Dụng cụ tạo khe co giãn thủ công
Hình ảnh: Dụng cụ tạo khe co giãn thủ công

Lưu ý sử dụng tấm lót để không làm lõm sàn khi sàn vừa mới khô mặt.

Cắt khe co giãn kiểm soát bằng dụng cụ thủ công
Hình ảnh: Cắt khe co giãn kiểm soát bằng dụng cụ thủ công

Phương pháp 3: Trong vòng 12h từ khi đổ bê tông, khi bê tông bắt đầu cứng sử dụng máy cắt đường ron, tạo khe

Cắt khe kiểm soát bằng máy
Hình ảnh: Cắt khe kiểm soát bằng máy

Đây là phương pháp thi công phổ biến hơn trong thực tế, đặc biệt khi thi công bê tông nhà máy, kho, xưởng, đường, gara… những nơi có diện tích lớn.

2.2. Khe Dãn (expansion joint)

Khe dãn bê tông là gì?

Khe dãn (Expansion joint) là Khe co dãn nhiệt ẩm cho phép chuyển dịch đầu mút bê tông tại khe.

Thanh gắn khe giãn cao su
Hình ảnh: Thanh gắn khe giãn cao su

Khe giãn bê tông được sử dụng để tách biệt:

  • Các tấm sàn bê tông với nhau
  • Giữa sàn bê tông với các kết cấu khác như tường, cột…

Mục đích của khe giãn là hấp thụ các chuyển vị của tấm bê tông. Cho phép các thành phần kết cấu chuyển động độc lập, hạn chế các vết nứt khi chuyển động xảy ra.

cách đặt khe giãn cao su trước khi đổ bê tông
Hình ảnh: cách đặt khe giãn cao su trước khi đổ bê tông

Khe giãn thường cách nhau khoảng 35-40m (Phân biệt với khe co: có khoảng cách thường là 5-6m)

Tại khe dãn: Bê tông và cốt thép bị cắt đứt hoàn toàn. Khi cần thiết có thể dùng kết cấu có thanh truyền lực để truyền lực qua khe. Bề rộng khe không nhỏ hơn 20 mm.

Bề rộng b của khe dãn được xác định theo công thức:

b >= b1 + b2

trong đó:

  • b1 là tổng biến dạng của đoạn bê tông giữa 2 khe dãn, tính bằng milimét, (mm): b1 = e x l
  • e là biến dạng nở ổn định của bê tông dưới tác động của khí hậu nóng ẩm, tính bằng milimet trên met (mm/m). Trong điều kiện khí hậu nước ta có thể lấy e trong khoảng từ 0,4 mm/m đến 0,45 mm/m; l là chiều dài khoảng cách giữa 2 khe dãn, tính bằng mét (m).
  • b2 là độ dày lớp vật liệu chèn khe còn lại sau khi đã bị ép do bê tông nở dưới tác động của điều kiện khí hậu, tính bằng milimét (mm). Giá trị b2 lấy theo chỉ dẫn của nhà sản xuất vật liệu chèn khe.

Tùy theo yêu cầu kỹ thuật của khe dãn, người thiết kế có thể đặt khe có hình dáng khác nhau (như khe thẳng; khe gấp khúc; khe có mộng…).

Khe dãn cần phải thông thoáng, không chứa các vật lạ làm cản chuyển dịch đầu mút bê tông khi biến dạng, như gỗ, đá, bê tông vụn, gạch vỡ, đất cát…

Đối với các khe dãn ở sàn hoặc tường có yêu cầu ngăn nước cao thì từ phía có nguồn nước cần có các chi tiết ngăn nước thấm qua khe (như dùng màng chắn đàn hồi dán lên trên khe, dùng băng cách nước…). Khi cần có lớp cát hoặc lớp vật liệu khác ở phía trên kết cấu ( thí dụ lớp bê tông chống thấm nằm trên sàn mái) thì vị trí khe cần phải được duy trì xuyên suốt lớp vật liệu này

Khe giãn chống nứt tiêu chuẩn chống nước
Hình ảnh: Khe giãn chống nứt tiêu chuẩn chống nước

CHÚ DẪN:

  1. Ma tít bitum
  2. Lớp lát và vữa
  3. Băng đàn hồi cách nước
  4. Ma tít polyurethane
  5. Tấm xốp chèn khe

Vị trí sử dụng khe giãn

Khe dãn được đặt các vị trí nhằm tạo điều kiện để kết cấu bê tông dễ dàng chuyển dịch đầu mút tại khe khi biến dạng co nở theo thời tiết. Khe dãn thường được kết hợp tại các vị trí kết cấu có dầm hoặc cột chịu lực.

Khe dãn thường được đặt tại các vị trí như sau:

  • Các vị trí cắt ngắn kết cấu bê tông và bê tông cốt thép (mái nhà, tường nhà, đường ô tô, sân bãi…) (Hình 6a);
  • Các nóc nhà mái dốc bằng bê tông cốt thép (Hình 6a);
  • Các vị trí tiếp giáp tường nhà cao với mái nhà thấp (Hình 6a);
  • Các vị trí tiếp giáp với kết cấu xuyên qua mái (Hình 6b);
  • Nơi tiếp giáp bê tông chống thấm mái với tường chắn mái (Hình 6c);
  • Nơi tiếp giáp mặt đường ô tô với vỉa hè phố và các vị trí bị chặn dãn nở khác (Hình 6d).
Các vị trí khe giãn
Hình ảnh 6: Các vị trí khe giãn

Thi công khe giãn bê tông

Phương án 1: chèn vật liệu tạo khe từ khi đổ bê tông như cao su, nhựa

Cách đặt khe giãn cao su
Hình ảnh: Cách đặt khe giãn cao su

Đặt khe co giãn từ khi đổ bê tông

Đặt khe giãn bê tông bằng cao su từ lúc đổ bê tông
Hình ảnh: Đặt khe giãn bê tông bằng cao su từ lúc đổ bê tông

Đặt khe co giãn ở tất cả các ô đổ bê tông

2.3. Hướng dẫn cắt khe co dãn

cách cắt khe co dãn bê tông
Hình ảnh: cách cắt khe co dãn bê tông

2.3.1. Đối với khe co

Tại khe co: Tiết diện bê tông bị cắt xuống độ sâu (h). Thường độ sâu (h) không quá từ 10 mm đến 30 mm đối với kết cấu có chiều dày nhỏ (như mặt đường ô tô; sàn mái); hoặc có thể sâu hơn đối với kết cấu có chiều dày lớn (như tường chắn đất).

Cốt thép có thể đi qua khe này. Bề rộng (b) của vết cắt khoảng 10 mm. Có thể xảm hoặc không xảm ma tít vào vết cắt tùy theo yêu cầu của khe.

Tùy theo yêu cầu kỹ thuật của khe và mỹ quan của kết cấu, vết cắt bê tông ở khe co có thể ở 1 mặt (như đối với sàn) hoặc 2 mặt (như đối với tường) của kết cấu.

  • Lmax bằng từ 6 m đến 9 m: Cho mọi kết cấu bê tông cốt thép chịu tác động trực tiếp của khí hậu.
  • Lmax bằng một phần hai chiều cao vòm: Kết cấu mái dạng vòm bê tông cốt thép. (Đối với các kết cấu vỏ có khẩu độ lớn vị trí đặt khe co cần được tính toán cụ thể để quyết định).

Các lưu ý về đặt khe co

  • Đặt các mối nối cách nhau khoảng 30 lần chiều dày tấm sàn. Vì vậy, đối với tấm sàn dày 100mm, các khớp nối nên được đặt cách nhau khoảng 3.000mm (3 mét). Đặt theo Lmax có nhiều sự rủi ro.
  • Đảm bảo rằng các mối nối được cắt đủ sâu: chúng cần phải có độ dày ít nhất là một phần tư độ dày của tấm sàn. Đối với bản sàn 100mm, cắt các mối nối sâu ít nhất 25mm.
  • Nếu bạn đang cắt các mối nối sau khi bê tông đã được đổ, đừng để quá lâu. Bê tông có thể bị nứt nếu các mối nối không được cắt trong vòng 12 giờ sau khi hoàn thiện.
  • Các mối nối có hiệu quả nhất khi tỷ lệ co của tấm được giữ là 1: 1, ví dụ: 5m x 5m nếu tấm hẹp hơn chiều dài thì có thể tăng tỷ lệ này lên tỷ lệ co tối đa là 1,5 chẳng hạn. 2m x 3m
  • Nếu dùng phương pháp đặt nẹp khe co giãn khi đổ nền bê tông trước sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí về sau.
  • Nếu sàn bê tông có cốt thép nên tách cốt thép ở vị trí khe co giãn
  • Nên tạo khe co giãn dọc theo các trục cột
  • Nên thiết kế vị trí các khe ở dưới các khu vực trải thảm sau này hoặc dưới các vách tường => các khe sẽ được “giấu” đi, đỡ “lộ” -> tăng tính thẩm mĩ cho công trình.
  • Các thanh truyền lực nên được sử dụng tại sàn bê tông chịu tải trọng nặng

Đừng để việc đặt khe co giãn bê tông tùy tiện và tranh thủ sự phục vụ của kỹ sư kết cấu nếu có yêu cầu.

2.3.2. Đối với khe giãn

Khoảng cách giữa các khe giãn là 38-75m (theo TCVN)

  • Lmax bằng từ 6 m đến 9m: Kết cấu bê tông không cốt thép hoặc có cốt thép cấu tạo chịu tác động trực tiếp của khí hậu (Bê tông chống thấm mái, đường ô tô, sân bãi …).
  • Lmax bằng 18 m: Kết cấu bê tông không cốt thép hoặc có thép cấu tạo, được che chắn bởi bức xạ mặt trời (Lớp bê tông chống thấm mái có chống nóng phía trên …).
  • Lmax bằng 35 m: Kết cấu bê tông cốt thép chịu tác động trực tiếp bởi bức xạ mặt trời.
  • Lmax bằng 50 m: Kết cấu bê tông cốt thép được che chắn bởi bức xạ mặt trời (như sàn, mái được chống nóng, tường trong nhà, tường hầm …).

Sử dụng khe nhiệt giữa sàn tiếp giáp với vị trí cột, tường, và móng, bó vỉa, vỉa hè….

khe giãn giúp cách ly cột móng
Hình ảnh: khe giãn giúp cách ly cột móng

Khe co giãn ở vị trí sàn tiếp giáp với các kết cấu bê tông khác

3. Thi công chèn, trám, chét khe co giãn

Sau khi đổ bê tông, khe co giãn được cắt bằng máy, hoặc bay trong thời gian trước 12h kể từ khi đổ bê tông. Sau khi bê tông đã đủ cường độ, công việc tiếp theo là chèn khe (hay còn gọi là trám khe).

Việc này giúp các khe chống lại ẩm nước từ bề mặt đi vào khối sàn bê tông và đi xuống dưới lớp đất nền gây hiện tường nứt do sói mòn, co lún lớp đất nền. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các sàn bê tông ngoài trời, hoặc các sàn bê tông sử dụng nước nhiều sau này.

2 cách thi công khe co
Hình ảnh: 2 cách thi công khe co

3.1. Phương pháp thi công chèn khe sau khi đổ bê tông

Chọn vật liệu chèn khe co giãn trong bê tông phải có tính đàn hồi, hấp thụ lực tác động, sau khi biến dạng có thể trở lại trạng thái ban đầu

Ở Việt Nam không nên dùng nhựa đường + dây đay chèn khe co giãn (theo phương pháp truyền thống). Vì khi trời nóng, nhựa đường bị chảy ra – dính vào bánh xe làm bẩn sàn bê tông

Nếu bắt buộc dùng nhựa đường thì nên đổ âm xuống nền 1 chút để nếu có chảy thì không bị tràn ra sàn

Vật liệu chèn khe co giãn bằng nhựa đường
Hình ảnh: Vật liệu chèn khe co giãn bằng nhựa đường

Nhựa đường tại khe co giãn bị chảyVấn đề : nhựa đường tại khe co giãn bị chảy làm bẩn bê tông

Kinh nghiệm thi công matit chèn khe co giãn bê tông đúng kĩ thuật:

Sau khi tạo khe cần trám khe bằng matit hoặc nhựa đường để ngăn bụi bẩn hoặc các mảnh vụn lọt xuống. Nếu không các khe sẽ bị bịt kín bởi bụi bẩn và đất đá và không còn tác dụng chống co ngót nữa.

Cách thi công trám khe co giãn
Hình ảnh: Cách thi công trám khe co giãn

Bước 1: Chuẩn bị

  • Chất lượng bể mặt khe: phải đặc chắc, sạch sẽ, khô rào không dính nước, dầu nhớt, bụi bẩn.
  • Loại bỏ các bụi bẩn, mảnh vụn, sơn, vữa xi măng
  • làm sạch bề mặt khe co giãnLàm sạch bề mặt khe co giãn bằng dao, bàn chải…
Bước 1: Vệ sinh sạch sẽ khe co giãn
Hình ảnh: Bước 1: Vệ sinh sạch sẽ khe co giãn

Bước 2: Chèn thanh xốp vào khe

Sử dụng thanh xốp chèn khe (backer rod) hay bọt xốp gốc PolyUrethane

Chèn thanh xốp backer rod vào khe co giãn
Hình ảnh: Chèn thanh xốp backer rod vào khe co giãn

Bước 3: Băng keo dọc 2 bên khe

Để tránh chất trám khe chèn, lem gây mất thẩm mỹ, cần dán băng dính dọc 2 bên khe.

Dán băng dính dọc 2 bên khe
Hình ảnh: Dán băng dính dọc 2 bên khe

Bước 4: Quét lót tạo bám dính

Tùy loại chất trám khe mà yêu cầu cần quét lót hay không để tăng khả năng bám dính. Hãy áp dụng theo đúng yêu cầu từ nhà sản xuất.

Quét lớp lót trám khe
Hình ảnh: Quét lớp lót trám khe

Bước 5: Dùng chất trám khe – sealant bơm vào khe :

Bơm sealant matit vào khe tại vị trí chính, cẩn thận và đều tay.

Bơm chất trám khe co giãn
Hình ảnh: Bơm chất trám khe co giãn

Bước 6: Vét mạch cho đẹp

Vét mạch bằng bay, bằng tay hoặc bất cứ dụng cụ chuyên dụng nào phù hợp với chiều rộng của khe để tạo độ bám và chèn kín.

Vét mạch chất trám khe
Hình ảnh: Vét mạch chất trám khe

Bước 7: Bóc băng dinh (băng keo)

Bóc băng dính sau khi bắn chất trám vào khe
Hình ảnh: Bóc băng dính sau khi bắn chất trám vào khe

Bước 8: Hoàn thiện

Hoàn thiện quá trình trám khe co giãn
Hình ảnh: Hoàn thiện quá trình trám khe co giãn

Vậy là quá trình trám chét khe co giãn được hoàn thành sau 8 bước. Để công việc hoàn thành tốt cần lựa chọn chất trám khe phù hợp với điều kiện thực tế công trình như:

  • Trong hay ngoài trời
  • Mức độ co giãn, đàn hồi cần thiết.
  • Yêu cầu độ phẳng so với sàn
  • Yêu cầu đánh bóng sàn bê tông sau khi trám chét khe co giãn.

Trên thị trường có rất rất nhiều loại chất trám khe co giãn, hãy lưu ý các tư vấn của nhà cung cấp để lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với mình.

3.2. Sử dụng nẹp khe sau khi đổ bê tông

cấu tạo thanh chèn khe co giãn bê tông
Hình ảnh: cấu tạo thanh chèn khe co giãn bê tông

Có rất nhiều các dạng nẹp khe giãn tốt để phòng ngừa bụi bẩn, mà vẫn đảm bảo co giãn đàn hồi giúp hấp thu chuyển động nhiệt của bê tông.

Nẹp khe dãn tốt
Hình ảnh: Nẹp khe dãn tốt

Trước đây người ta hay sử dụng gỗ để khe, tuy nhiên chúng cũng có một vài điểm yếu cần khắc phục, đặc biệt cần bắn thêm chất trám khe bảo vệ phía trên

Chèn gỗ vào khe dãn
Hình ảnh: Chèn gỗ vào khe dãn

Có nhiều kích thước khác nhau để phù hợp với các khe dãn

Các kích thước thanh chèn khe giãn nở cao su
Hình ảnh: Các kích thước thanh chèn khe giãn nở cao su

3.3. Sử dụng nẹp khe trước khi đổ bê tông

Trước đây phương pháp tạo khe co giãn được thực thiện sau khi đổ bê tông. Phương pháp mới – sử dụng nẹp khe co giãn bê tông, được đặt trước khi đổ bê tông

thanh trám khe co dãn bê tông nhựa
Hình ảnh: thanh trám khe co dãn bê tông nhựa

Loại nẹp này được cấu tạo bởi 3 lớp : gồm 2 lớp nhựa cứng bảo vệ 2 bên và 1 lớp cao su đàn hồi ở giữa – dễ dàng hấp thụ các lực tác động do bê tông giãn nở / co ngót.

Phần chân nẹp có các cạnh xương cá giúp “ngàm” chắc vào bê tông. Hạn chế tối đa việc bung, bật – đảm bảo sự bền vững của nẹp trong suốt quá trình sử dụng.

Thanh điền khe co giãn bê tông nhựa có cao su
Hình ảnh: Thanh điền khe co giãn bê tông nhựa có cao su

So sánh với cách làm truyền thống, sử dụng nẹp khe co giãn có những ưu điểm sau:

  • Giảm chi phí trám khe sau bê tông hoàn thiện.
  • Tránh rủi ro khi cắt khe bằng máy, giảm chi phí.
Thi công gắn nẹp khe co giãn trước khi đổ bê tông
Hình ảnh: Thi công gắn nẹp khe co giãn trước khi đổ bê tông

Nhược điểm của phương pháp này

  • Thi công phức tạp, tốn thời gian
  • Tốn chi phí ban đầu
  • Thường không thể áp dụng cho sàn bê tông đánh bóng

Nẹp được định vị trước khi đổ bê tônghoàn thành đổ bê tông sàn có nẹp khe co giãnSau khi hoàn thành đổ bê tông sàn – không cần phải cắt khe và chèn matit vì đã có thanh nẹp co giãn đặt sẵn

kết quả sử dụng nẹp khe trước khi đổ bê tông
Hình ảnh: kết quả sử dụng nẹp khe trước khi đổ bê tông

4. Các biện pháp phối hợp cùng khe co giãn để giảm thiểu nứt cho bê tông

4.1. Giảm thể tích hồ xi măng

Thể tích hồ xi măng được tính như sau: Vh = N + x/px

Trong đó:

  • N là lượng nước trộn trong 1m3 bê tông, tính bằng lít (l);
  • X là khối lượng xi măng trong 1m3 bê tông, tính bằng kilogram (kg);
  • px là khối lượng riêng của xi măng, tính bằng kilogram trên lít (kg/l);

Có thể thực hiện các giải pháp sau đây để giảm thể tích hồ xi măng:

  • Thiết kế thành phần bê tông với độ sụt thấp nhất đủ để thi công bê tông với các trang thiết bị thi công sẵn có;
  • Sử dụng phụ gia dẻo hóa cao hoặc siêu dẻo để giảm lượng nước trộn bê tông;
  • Giảm lượng nước từ độ ẩm cốt liệu trong tổng lượng nước tính toán thành phần bê tông; Sử dụng xi măng có mác thích hợp với mác bê tông theo hướng mác xi măng càng cao, lượng xi măng sử dụng càng ít;
  • Không thêm nước hoặc nước xi măng vào bê tông trong lúc thi công;
  • Sử dụng cốt liệu lớn với đường kính lớn nhất có thể và tăng hàm lượng cốt liệu lớn đến mức tối đa để giảm lượng hồ xi măng trong bê tông.

4.2. Bảo vệ bê tông khỏi nắng, nóng

Hỗn hợp bê tông cần được giữ ở nhiệt độ càng thấp càng tốt để tránh bị nứt kết cấu do bê tông ninh kết quá nhanh dưới tác động nắng nóng của khí hậu. Nhiệt độ của hỗn hợp bê tông khi đổ không nên vượt quá 35 oC. Nên giữ ở dưới 30 oC.

Có thể áp dụng các biện pháp sau đây để hạ nhiệt độ hỗn hợp bê tông:

  • Hạ nhiệt độ xi măng bằng cách che chắn nắng trực tiếp vào nơi để xi măng;
  • Hạ nhiệt độ cốt liệu bằng cách che chắn nắng hoặc tưới nước lên cốt liệu lớn;
  • Hạ nhiệt độ nước trộn bằng cách che chắn nắng trực tiếp vào nguồn nước hoặc dùng nước đá;
  • Giữ cho hỗn hợp bê tông không bị bức xạ tác động trực tiếp trước khi đổ.

Hỗn hợp bê tông cần được giữ độ sụt ổn định, hạn chế tổn thất độ sụt dưới tác động của các yếu tố khí hậu nóng ẩm, nhất là ở những vùng và những mùa có khí hậu khô nóng, có gió Lào. Thời gian chờ bê tông không nên quá 1,5 h. Nếu lâu hơn thì phải có biện pháp trộn lại nhưng cũng không được quá 4 h.

Có thể áp dụng các biện pháp Có thể áp dụng các biện pháp sau đây để hạn chế tổn thất độ sụt hỗn hợp bê tông:

  • Che chắn nắng tác động trực tiếp vào hỗn hợp bê tông (để tránh mất nước nhanh và tránh tăng cao nhiệt độ hỗn hợp bê tông).
  • Có kế hoạch trước để hỗn hợp bê tông không bị lưu giữ quá lâu trong thi công. Dùng phụ gia dẻo hóa chậm ninh kết để hạn chế tổn thất độ sụt trong những vùng thời tiết nắng, khô nóng, có gió Lào.
  • Rút ngắn thời gian vận chuyển và chờ đợi của hỗn hợp bê tông.

4.3. Đổ và đầm bê tông

Cần có kế hoạch trước để hạn chế việc kéo dài thời gian đổ và đầm bê tông tại hiện trường. Nhất là tránh tình trạng đổ bê tông quá nhanh (thí dụ bơm bê tông quá nhanh), không kịp san gạt và hoàn thiện bề mặt trong điều kiện nắng và khô nóng.

Đổ và đầm bê tông được thực hiện theo TCVN 4453:1995. Ngoài ra cần chú ý những điểm dưới đây:

Vào lúc nắng nóng và khô hanh cần đổ bê tông theo từng lớp đủ mỏng để có thể quay vòng nhanh, đảm bảo bê tông lớp dưới chưa kết thúc ninh kết để đầm liên tục với lớp trên. Tốt nhất là không có điểm dừng thi công.

Khi cần có điểm dừng thi công thì điểm dừng cần được xử lý như sau để đảm bảo liên kết tốt giữa hai đợt đổ bê tông, tránh bị nứt bóc tách sau này:

  • Bề mặt điểm dừng bê tông phải được vỗ phẳng cho nổi màu xi măng lên trên. Không để tình trạng đá sỏi thiếu vữa, sẽ là chỗ rỗ sau này.
  • Tưới hồ xi măng (hoặc vữa xi măng cát có tỷ lệ thành phần như vữa của hỗn hợp bê tông) lên bề mặt bê tông tại điểm dừng trước khi đổ lớp bê tông sau.
  • Đầm nhẹ nhàng chỗ điểm dừng để tránh rung động quá mạnh vào lớp bê tông đã đổ trước.

4.4. Biện pháp phòng chống nứt mặt bê tông trong những giờ đầu đóng rắn

Trong những giờ đầu đóng rắn, dưới tác động trực tiếp của khí hậu nóng ẩm, bê tông có thể bị nứt mặt do bị mất nước quá nhanh sau khi hoàn thiện. Cần phải có biện pháp để hạn chế tốc độ mất nước của bê tông và khắc phục các vết nứt đã xuất hiện khi bê tông còn chưa kết thúc ninh kết.

Biện pháp ở đây là bảo dưỡng ẩm bê tông để hạn chế mất nước hoặc đầm lại bê tông để khắc phục các khuyết tật và các vết nứt mặt đã xuất hiện.

Trên đây dịch vụ mài sàn bê tông TKT đã chia sẻ những kiến thức cơ bản nhất về khe co giãn là gì các các yêu cầu liên quan cũng như cách thi công cũng như trám chét khe co giãn. Thông tin này rất quan trọng đối với các dịch vụ mài sàn bê tông vì đó là một phần trong công việc của họ.

Dịch vụ đánh bóng sàn bê tông TKT hy vọng những kiến thức này giúp ích được cho bạn. Ở bài tiếp theo chúng tôi sẽ đi sâu về tính toán độ dày sàn bê tông sau khi đổ để tránh nứt. Các bạn đón đọc nhé.

Dịch vụ mài sàn bê tông TKT
Hình ảnh: Dịch vụ mài sàn bê tông TKT

5. Kiến thức có thể bạn quan tâm

Nguồn: công ty vệ sinh TKT Cleaning

TIN TỨC

Tin tức nổi bật

Xem thêm tin tức
Icon ornament

Đăng ký nhận bản tin

Đăng ký để nhận Cập Nhật mới nhất về chương trình Khuyến Mại và Kiến Thức Khoa Học về chăm sóc công trình

Icon ornament